Tháng 5 năm 2019
I. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC
1. Khái quát về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu.Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước.
Quá trình hoạt động cách mạng ngoài nước - Tìm con đường giải phóng dân tộc.
Tháng 6/1911, Người đi ra nước ngoài, suốt 30 năm hoạt động, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng.
Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Tháng 6/1919, thay mặt Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam .
Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1921, tại Pháp, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tuyên truyền cách mạng trong nhân dân các nước thuộc địa. Đặc biệt, Người viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa.
Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước Lênin vĩ đại. Tại Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân (10/1923), Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á .
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.
Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế Cộng sản ở nước ngoài, đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ đạo đúng đắn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941 Người về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh, gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Sam Cao, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
Tháng 8/1945, Người cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và chủ trì Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố trước nhân dân cả nước và nhân dân thế giới quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.
Tháng 9/1945, thực dân Pháp câu kết với đế quốc Mỹ, Anh và lực lượng phản động Quốc dân Đảng (Trung Quốc) trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Quân đội Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam và lấn dần từng bước kéo quân đánh chiếm miền Bắc, âm mưu tiến tới xóa bỏ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 9/1/1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên trong cả nước. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người tiếp tục cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tháng 7/1954, với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Géneva được ký kết. Miền Bắc được giải phóng. Miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Người cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 2/9/1969, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu Người đã từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới.
Năm 1987, tại kỳ họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục - Văn hóa - Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất” .
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng
2. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh - Nhà cách mạng vĩ đại, là tấm gương sáng ngời về nhân sinh quan cách mạng, là tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người đã để lại cho các thế hệ dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần vô cùng quý báu mãi soi đường, chỉ lối cho chúng ta đi. Đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, trong thời đại Hồ Chí Minh.
Từ Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị khóa X, đến Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Bộ Chính trị khóa XI, và gần đây nhất là Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã cho thấy đó là những giá trị to lớn và thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, là những nội dung chuẩn mực, cốt lõi để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong điều kiện hiện nay.
Đối với tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung hết sức quan trọng và thiết thực của mỗi cấp bộ Đoàn – Hội – Đội toàn tỉnh. Theo Kế hoạch số 398-KH/TĐTN-TG, ngày 17/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Dương các nội dung cốt lõi cần tập trung trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Bình Dương thời kỳ mới có “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn” góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cụ thể là:
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang; về xây dựng, phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng; về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh...
- Quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các nội dung sau: tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội; tinh thần lạc quan, tin tưởng, đấu tranh mọi biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
- Phong cách Hồ Chí Minh với các nội dung: phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, lý luận gắn liền với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hoá, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; phong cách nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương…
Căn cứ Kế hoạch số 398-KH/TĐTN-TG, ngày 17/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi tỉnh Bình Dương”, giai đoạn 2016 – 2021; Đoàn viên, thanh niên cần rèn luyện và phấn đấu thực hiện những nội dung “Nên làm - Không nên làm”, cụ thể là:
+ 08 điều nên làm: Xung kích, trách nhiệm, gương mẫu, trung thực, sáng tạo, thân thiện, thường xuyên học tập, tích cực rèn luyện kỹ năng.
+ 08 điều không nên làm: Phát ngôn không đúng; làm việc hình thức, đối phó; quan liêu, hành chính hóa; thiếu khiêm tốn và không cầu thị; không chấp hành kỷ luật; thiếu tinh thần đoàn kết; thiếu ý chí đấu tranh; thiếu chuẩn mực trong lối sống.
- Phấn đấu xây dựng hoàn thiện các giá trị hình mẫu thanh niên Bình Dương, tập trung vào các nội dung cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Bình Dương thời kỳ mới có "Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn" góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó cụ thể theo từng khối đối tượng:
+ ĐVTN khối học sinh, sinh viên hướng đến tiêu chí: Tích cực, sáng tạo, hội nhập.
+ ĐVTN đô thị hướng đến tiêu chí: Năng động, sáng tạo, xung kích xây dựng đô thị văn minh.
+ Cán bộ Đoàn, Hội, Đội hướng đến tiêu chí: Gương mẫu, sáng tạo, trách nhiệm, sâu sát cơ sở.
+ ĐVTN nông thôn hướng đến tiêu chí: Cần cù, sáng tạo, xung kích, xây dựng nông thôn mới.
+ Đoàn viên, TNCN hướng đến tiêu chí: Rèn tay nghề, chuẩn tác phong, nâng cao năng suất lao động.
+ Đội viên, thiếu nhi hướng đến tiêu chí: Học giỏi, chăm ngoan, làm nhiều việc tốt.
+ ĐVTN cán bộ, công chức, viên chức trẻ hướng đến tiêu chí: Gần dân, sát dân, thân thiện, hiệu quả.
+ ĐVTN khối lực lượng vũ trang hướng đến tiêu chí: Trung thành, bản lĩnh, xung kích, sẵn sàng.
+ Doanh nhân trẻ hướng đến tiêu chí: Chủ động, sáng tạo, hội nhập.
I. Kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 5:
- Ngày 01/5/1886: Kỷ niệm Ngày quốc tế Lao động
- Ngày 07/5/1954: Kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
- Ngày 09/5/1945: Kỷ niệm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa Phát –xít
- Ngày 15/5/1941: Kỷ niệm Ngày Thành lập Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh
- Ngày 19/5/1890: Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Ngày 19/5/1941: Kỷ niệm Ngày thành lập mặt trận Việt Minh
07/5/1954: Chiến thắng Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi phía Bắc. Đây là một căn cứ quân sự rất thuận lợi. Thực dân Pháp đã lấy căn cứ này chiến lược cơ động.
Trong chiến dịch Thu Đông năm 1953 – 1954, lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Số quân lính địch là 16.200 tên, chúng bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hoả lực nhiều tầng. 8 cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lương ở ngay giữa Mườn Thanh. Sau 5 ngày chiến đấu ta đã tiêu diệt gọn 2 cứ điểm kiên cố vào bậc nhất là Him Lam va Độc Lập, sau đó làm tan rã thêm 1 tiểu đoàn địch và tiêu diệt tiểu đoàn Bản Kéo, ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, 26 máy bay bị phá huỷ, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh.
17h30’ ngày 30/4/1954, ta mở đợt tấn công thứ 2. Cuộc chiến trên đồi A1 diễn ra hết sức gay go, ác liệt. Hai bên giằng co từng tất đất. Đến ngày 4/4 mỗi bên chiếm giữ 1 nửa đồi A1.
Đánh vào khu Đông ta diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các cao điểm. Quân đội viễn chinh Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Đế quốc Mỹ chi viện cho thực dân Pháp gần 100 máy bay oanh tạc chiến đấu và gần 50 máy bay vận tải đồng thời tổ chức diễn tập “đổ bộ ào ạt vào Đông Dương”.
Đêm 01/5/1954 ta mở đợt tấn công thứ 3, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại phía Đông và phía Tây, bẻ gãy cuộc phản kích của địch. Đêm 03/5/1954, bộ đội ta chỉ cách sở chỉ huy của địch 300m.
17h30’ ngày 07/5/1954 , những trận pháo kích của bộ đội ta nhắm thẳng vào sở chỉ huy địch. Tướng Đờ-cat-tơ-ri và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt sống. Gần 1 vạn quân địch nhảy ra khỏi hầm xin hàng. Đêm đó ta tấn công bắt sống toàn bộ quân địch ở phân khu Nam.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược. “Đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn).
15/5/1941: Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh
Từ năm 1925, sau khi sáng lập ra Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội - tiền thân của Đảng, Bác Hồ đã chỉ thị về nước, lựa chọn một số thanh niên ưu tú đưa ra nước ngoài đào tạo. Trong số 8 thanh thiếu niên lúc đó được Bác Hồ đích thân dạy dỗ có Lý Tự Trọng. Sau này anh đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng. Khi sáng lập ra tổ chức Đoàn, Đảng đã giao trách nhiệm lịch sử cho Đoàn trực tiếp phụ trách chỉ đạo các tổ chức thiếu niên, nhi đồng.
Nghị quyết đại hội Đảng Cộng Sản Đông Dương lần I (Tháng 01/1935) ghi rõ: “Đoàn phụ trách tổ chức Hồng nhi đoàn, chỗ nào có chi bộ, Đoàn phải lập ra Hồng nhi đoàn, những đoàn viên dưới 16 tuổi nhất luận phải đưa qua Hồng nhi đoàn”.
Ngày 08/02/1941 sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941 hội nghị Ban chấp hành Trung Ương Đảng lần thứ 8 đã họp và ra nghị quyết quan trọng đến vận mệnh nước nhà. Hội nghị đã chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh bao gồm nhiều tổ chức yêu nước.
Ngày 15/5/1942, theo chỉ đạo của Đảng, tổ chức Đội Thiếu Niên Tiền Phong và Đội Nhi Đồng cứu quốc đã được thành lập tại vùng Pắc Pó (Cao Bằng) do Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc (nay là Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh) trực tiếp phụ trách. Ngày 15/5/1941 đã được ban chấp hành Trung Ương Đảng đồng ý lấy ngày chính thức thành lập Đội.
Từ ngày thành lập đến nay, Đội đã qua nhiều lần đổi tên. Sự kiện đổi tên có ý nghĩa nhất là sau khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh qua đời, thiếu nhi cả nước, ban chấp hành Trung Ương Đảng trong phiên họp ngày 30/1/1970 đã cho phép Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên được mang tên Bác.
19/5/1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh khác (19/5/1890 - 02/9/1969), là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc; người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc thế kỉ 20; danh nhân văn hoá thế giới. Quê Người ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người sinh ra trong gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên trong thời kì phong trào cứu nước sôi nổi và học trường Quốc học Huế, rồi làm giáo viên tiểu học.
Tháng 6/1911, Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp tàu buôn đô đốc Latusơ Tơrêvin (Latouche Tréville) của Pháp, rời Việt Nam tìm đường cứu nước, qua Pháp, Hoa Kì, Anh; cuối 1917, trở lại Pháp; gia nhập Đảng Xã hội Pháp (1919). Thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, với tên Nguyễn Ái Quốc, gửi đến Hội nghị Vecxay (Versailles) bản Yêu sách đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của nhân dân Việt Nam (1919). Năm 1920, tại Đại hội Tua (Tours) của Đảng Xã hội Pháp, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Tham gia thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa (1921); xuất bản báo “Le Paria” “Người cùng khổ” ở Pháp (1922). Năm 1923, được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản; cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Năm 1925, tại Trung Quốc, tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức; thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu với tổ chức nòng cốt là Cộng sản đoàn, đào tạo cán bộ và truyền bá chủ nghĩa Mac - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; xuất bản tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), báo “Thanh niên” (1926), “Đường kách mệnh”(1927).
Đầu 1930, chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định chính cương, điều lệ, sách lược vắn tắt của Đảng. Tháng 6.1931, bị đế quốc Anh bắt giam tại Hồng Kông (Hong Kong), được trả lại tự do (1933). Mùa xuân 1934, sang Liên Xô, vào học Trường Đại học Lênin, rồi làm nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề Dân tộc và Thuộc địa của Quốc tế Cộng sản tại Matxcơva. Năm 1935, tham gia Đại hội VII Quốc tế cộng sản với tư cách đại biểu tư vấn. Tháng 9.1938, rời Viện Nghiên cứu các vấn đề Dân tộc và Thuộc địa để về nước.
Ngày 28/1/1941, Hồ Chí Minh về Cao Bằng; chủ trì Hội nghị VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5/1941) - hội nghị quyết định đường lối giải phóng dân tộc Việt Nam, thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (tức Mặt trận Việt Minh). Năm 1942, bị chính quyền của Tưởng Giới Thạch bắt giam ở nhiều nhà tù của tỉnh Quảng Tây; trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh đã viết tập thơ “Nhật kí trong tù”. Lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (12/1944), xây dựng căn cứ địa Việt Bắc. Chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng (13 – 15/8/1945) và Đại hội Quốc dân Tân Trào (16 – 17/8/1945) tại Sơn Dương, Tuyên Quang, quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; được Đại hội Quốc dân bầu làm chủ tịch Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà).
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đại biểu Quốc hội khoá I, II, III và được Quốc hội liên tục bầu làm chủ tịch nước (3/1946 – 9/1969). Từ 2/1951 đến 9/1969, chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khoá II, III).
Hồ Chí Minh là linh hồn của cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, Kháng chiến chống Mĩ cứu nước và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các tác phẩm, các bài viết được in thành bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” (gồm 12 tập). Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mac - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc gắn liền với đoàn kết quốc tế; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.
Cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo, lòng yêu dân thắm thiết, gắn bó với nhân dân; về tinh thần đoàn kết, về đạo đức giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, nhà tư tưởng vĩ đại của dân tộc Việt Nam; là một vĩ nhân được UNESCO phong danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn”. Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là “Thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỉ nguyên độc lập tự do của Tổ quốc, kỉ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” (Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của dân tộc ta./.
Nguồn: lichsuvietnam.vn
III. Định hướng sinh hoạt Chi đoàn.
Tiếp tục thông tin, tuyên truyền công tác triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung Đảng (khóa XII), trong đó tập trung tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Quy định 08-Qđ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị theo chuyên đề năm 2019: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc phát huy dân chủ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của thanh thiếu nhi” cho cán bộ Đoàn; chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, nói đi đôi với làm” trong đoàn viên, thanh niên; gắn với các hoạt động trọng điểm theo chương trình “Tuổi trẻ Đà Nẵng nhớ lời Di chúc theo chân Bác” kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự nỗ lực thực hiện thăng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020; biểu dương, cổ vũ các gương và tập thể điển hình trong học và làm theo Bác. Tăng cường tuyên truyền biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua và các lĩnh vực công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh của TP gắn với tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt các phong trào trong đoàn viên, thanh niên. Đẩy mạnh và duy trì đều đặn chuyên mục “mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên Website hoặc Fanpage của đơn vị.
Tuyên truyền các hoạt động đối nội, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các lãnh đạo TP; tiếp tục tuyên truyền về các chương trình hợp tác giữa TP Đà Nẵng với các địa phương, doanh nghiệp của nước ngoài. Tuyên truyền về kết quả, công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước; tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, hải đảo nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp tục có các tin, bài tuyên truyền đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; nêu bật đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và giới thiệu những thành tựu của nước ta trong công tác tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, chính sách đối với người lao động, đối tượng chính sách.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền công tác triển khai phòng chống dịch bệnh trên người, vật nuôi của các ngành chức năng trong thành phố; nâng cao ý thức người dân, người chăn nuôi trong thực hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, tả lợn Châu Phi, nhiễm sán lợn. Tăng cường tuyên truyền công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân; công tác kiểm tra, quản lý của các ngành chức năng; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy chữa cháy; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, cứu nạn. Tiếp tục tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy; tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về chế độ thực hiện bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, những thành tựu và tính ưu việt của các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội; các chính sách chăm lo cho thanh thiếu nhi; thanh niên sáng tạo và khởi nghiệp;...gắn với việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên và các hoạt động về nguồn, thăm hỏi tặng quà; kết quả các hoạt động, công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa thiết thực phục vụ cho địa phương, đơn vị theo chủ đề năm Thanh niên tình nguyện 2019; các hoạt động chào mừng Đại hội Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; chào mừng Đại hội Hội LHTN Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019 – 2024 và các Ngày lễ kỷ niệm của đất nước, dân tộc, của Đoàn - Hội - Đội: Ngày Quốc tế Lao động (1/5); Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2019); Ngày chiến thắng Điện Biên (7/5); Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) gắn với 108 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua Ái quốc; ...
Biên soạn: Ban Tuyên Giáo Thành Đoàn
- CHUYÊN MỤC: Bài viết ngoài lợi của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác - (18/06/2024)
- CHUYÊN MỤC: Bài viết phản bác luận điệu xuyên tạc phương châm đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm” của Đảng - (14/06/2024)
- CHIÊU TRÒ LỢI DỤNG TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC - (11/06/2024)
- ĐẤU TRANH PHẢN BÁC VIỆC LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC, TÔN GIÁO ĐỂ XUYÊN TẠC, CHỐNG PHÁ TRÊN ĐỊA BÀN TÂY NGUYÊN - TỈNH GIA LAI - (08/06/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN, SINH VIÊN TRONG ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH - (04/06/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ ÂM MƯU LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỌC, TÔN GIÁO ĐỂ KÍCH ĐỘNG CHỐNG PHÁ TRÊN ĐỊA BÀN TÂY NGUYÊN - (31/05/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ PHẢN BÁC LUẬN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH CHO RẰNG: MUỐN THỰC SỰ CÓ DÂN CHỦ CHO NGƯỜI DÂN VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI CẦN PHẢI THỰC HIỆN “ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP - (28/05/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ NHẬN DIỆN VÀ XÂY DỰNG LUẬN CỨ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢ ĐỘNG, PHẦN TỬ CƠ HỘI - (24/05/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TÁC ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM - (21/05/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ TUỔI TRẺ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG CÙNG MÔ HÌNH “CHÚNG CON LUÔN BÊN MẸ” - (17/05/2024)