CHUYÊN MỤC TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT: LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Theo quan niệm chung, hôn nhân là một hiện tượng xã hội, nó tồn tại ở bất kỳ xã hội nào, là mối liên kết giữa nam giới và nữ giới, là bộ phận quan trọng cấu thành xã hội. Hôn nhân mang tính giai cấp và lịch sử mạnh mẽ, thể hiện ở việc mỗi xã hội khác nhau thì quan niệm về hôn nhân lại có sự khác nhau. Mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, giai cấp thống trị bằng pháp luật đã điều chỉnh quan hệ hôn nhân cho phù hợp với ý chí của mình thì hôn nhân tại thời kỳ đó cũng mang những đặc điểm nhằm tương thích với hình thái xã hội.
Ở xã hội phong kiến có hình thức hôn nhân phong kiến, mang bản chất của chế độ phong kiến một chồng nhiều vợ, địa vị xã hội của người vợ bị hạ thấp,...). Trong xã hội tư bản, xã hội chủ nghĩa cũng có hình thức của hôn nhân mang bản chất tư bản hoặc mang bản chất của xã hội chủ nghĩa (sự công bằng giữa vợ và chồng). Nhưng nhìn chung, mối liên kết giữa nam và nữ trong hôn nhân là mối quan hệ xã hội gắn liền với nhân thân, hình thành do việc kết hôn và quá trình chung sống vợ chồng của hai người. Như vậy, quan hệ hôn nhân là mối quan hệ giới tính, phát sinh giữa giới tính nam với giới tính nữ (trong thời gian gần đây, nhiều nơi trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng tính, tuy nhiên quan hệ hôn nhân này chưa thực sự phổ biến cũng như chưa được điều chỉnh tại Việt Nam). Quan hệ hôn nhân là một quá trình lâu dài, nó biểu hiện trong việc sinh đẻ, nuôi nấng, giáo dục con cái, đáp ứng cho nhau những nhu cầu tinh thần và vật chất trong đời sống hàng ngày.
Hôn nhân là một hình thức, một hiện tượng được hình thành từ rất lâu đời trong xã hội loài người. Ban đầu, hôn nhân được coi là “sự sắp đặt của xã hội để điều chỉnh mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, hôn nhân là sự liên kết hợp pháp giữa người đàn ông và người đàn bà để xây dựng gia đình và chung sống với nhau”. Ở các nước theo hệ thống thông luật (Common Law), khái niệm cổ điển mang quan niệm truyền thống về hôn nhân của Cơ đốc giáo, do Lord Penzance đưa ra trong phán quyết về vụ án Hyde v. Hyde (1866) được sử dụng phổ biến: “Hôn nhân là sự liên kết tự nguyện suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà, mà không vì mục đích nào khác”. Ngoài ra, một số luật gia ở Châu Âu và Hoa Kỳ quan niệm: “Hôn nhân là sự liên kết pháp lý giữa một người nam và một người nữ với tư cách là vợ chồng” hoặc “Hôn nhân là hành vi hoặc tình trạng chung sống giữa một người nam và một người nữ với tư cách là vợ chồng”. Đây là mối quan hệ xã hội gắn liền với nhân thân và những quyền lợi, nghĩa vụ giữa họ cũng được hình thành. Thực chất và ý nghĩa của hôn nhân được biểu hiện trong việc sinh đẻ, nuôi nấng, giáo dục con cái, đáp ứng cho nhau những nhu cầu tinh thần và vật chất trong đời sống hàng ngày.
Từ khi pháp luật xuất hiện và phát triển, hoàn thiện như ngày nay, những hình thái hôn nhân cũng xuất hiện đồng thời và mang những nét đặc trưng của riêng hình thái hôn nhân đó. Theo đó, trong xã hội nào thì sẽ có hình thái hôn nhân đó, tương ứng với chế độ hôn nhân nhất định. Ví dụ như trong xã hội phong kiến, hình thức hôn nhân phong kiến mang nét bản chất đề cao vai trò của người chồng và những bất công đối với người vợ hay “trọng nam, khinh nữ” hay xã hội tư bản có hình thức hôn nhân tư sản, mang bản chất của xã hội tư sản với quan niệm: “hôn nhân là một hợp đồng, một giao kèo có tính chất pháp lý, hơn nữa lại là một giao kèo quan trọng nhất trong tất cả mọi giao kèo, vì nó định đoạt cả thể xác lẫn tinh thần của hai con người trong suốt cả đời họ”... Hiện nay, một số quốc gia đã công nhận hôn nhân đồng giới, do đó, khái niệm hôn nhân cũng được mở rộng hơn, không chỉ giữa người đàn ông và người đàn bà mà hôn nhân được xác lập chỉ cần hai người có mối quan hệ tình cảm, có chung mục đích muốn có sự liên kết, gắn bó với nhau về mặt tinh thần cũng như về mặt luật pháp. Hôn nhân là bình đẳng, không có bất kỳ sự phân biệt nào về giới tính, chủng tộc, quan điểm tôn giáo, quốc tịch...
Ở Việt Nam, các giáo trình dân luật dưới chế độ cũ chưa đưa ra khái niệm cụ thể về hôn nhân mà đưa ra khái niệm giá thú, theo đó “giá thú (hay hôn thú) là sự phối hợp của một người đàn ông và một người đàn bà theo thể thức luật định” hay “giá thú là sự trai gái lấy nhau trước mặt viên hệ lại và phát sinh những nghĩa vụ tương hỗ cho cả hai bên về phương diện đồng cư, trung thành và tương trợ”. Theo cổ luật và tục lệ Việt Nam, việc sinh con đẻ cái, đặc biệt là con trai để nối dõi tông đường và thờ phụng tổ tiên là mục đích chủ yếu của hôn nhân. Với bản chất là một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hôn nhân được điều chỉnh bởi Luật hôn nhân và gia đình, là sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bàn trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng, một vợ một chồng theo quy định của pháp luật để chung sống với nhau suốt đời, xây dựng gia đình hạnh phúc, dân chủ, hoà thuận và bền vững.
Ngày nay, hôn nhân được xác định ngoài các mục đích về vấn đề sinh học, tình cảm đôi bên phải được đặt lên hàng đầu. Theo tinh thần của các nhà làm luật, hôn nhân tại Việt Nam là sự liên kết giữa một người nam và một người nữ trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng theo quy định của pháp luật để chung sống với nhau suốt đời, xây dựng gia đình hạnh phúc, dân chủ, hòa thuận và bền vững. Như vậy, pháp luật Việt Nam chưa công nhận hôn nhân đồng giới là hôn nhân hợp pháp, lý do là vì hôn nhân đồng giới sẽ làm mất đi khái niệm truyền thống về người vợ, người chồng được xác định dựa trên giới tính. Khái niệm hôn nhân cũng được Luật hôn nhân và gia đình 2014 đưa ra như sau: “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”.
Hôn nhân có thể được xem là một bộ phận của gia đình, hay nói cách khác, khái niệm gia đình bao hàm bên trong nó khái niệm hôn nhân. Hôn nhân là mối quan hệ giữa vợ (người nữ) và chồng (người nam), đây là mối quan hệ tiền đề quan trọng nhất hình thành nên gia đình. Xã hội loài người đã trải qua nhiều hình thái gia đình khác nhau, từ nguyên thuỷ nhất đến phức tạp nhất, gia đình là sản phẩm của xã hội, đã phát triển và phát sinh cùng với sự phát triển của xã hội và lịch sử. Do vậy, gia đình là tế bào, hình ảnh thu nhỏ thể hiện chân thật nhất bản chất của xã xã hội. Trong đó, gia đình xã hội chủ nghĩa hiện nay là hình thái cao nhất trong lịch sử, chế độ xã hội chủ nghĩa quyết định sự xuất hiện và phát triển của gia đình xã hội chủ nghĩa.
Khái niệm gia đình được Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích như sau: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này”. Gia đình là khái niệm rộng hơn khái niệm hôn nhân, lấy hôn nhân làm tiền đề. Như vậy, ngoài quan hệ hôn nhân, gia đình còn được xây dựng dựa trên các quan hệ về nuôi dưỡng, huyết thống. Gia đình có thể bao gồm: ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, anh chị em... trong quá trình chung sống, giữa họ phát sinh các quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Hôn nhân và gia đình là những hiện tượng xã hội được các triết học gia, các nhà xã hội học, sử học, luật học... nghiên cứu. Theo quan điểm chung nhất, hôn nhân được coi là cơ sở của gia đình còn gia đình là tế bào của xã hội, mà trong đó kết hợp chặt chẽ, hài hòa lợi ích của mỗi công dân, nhà nước và xã hội.
Như vậy, bên cạnh hôn nhân, gia đình còn bao gồm những người có quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng cùng chung sống với nhau, phát sinh các quyền và nghĩa vụ với nhau. Khái niệm hôn nhân và gia đình có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó hôn nhân là cơ sở hình thành nên gia đình, còn gia đình là tế bào của xã hội, là cơ sở cho quan hệ hôn nhân phát triển. Tóm lại, hôn nhân và gia đình tuy là hai khái niệm độc lập, nhưng có sự liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên một quan hệ xã hội thống nhất gọi chung là hôn nhân và gia đình. Theo Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp – một trong ba quyền năng quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng là cơ quan duy nhất thực hiện chức năng xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- CHUYÊN MỤC: Bài viết ngoài lợi của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác - (18/06/2024)
- CHUYÊN MỤC: Bài viết phản bác luận điệu xuyên tạc phương châm đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm” của Đảng - (14/06/2024)
- CHIÊU TRÒ LỢI DỤNG TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC - (11/06/2024)
- ĐẤU TRANH PHẢN BÁC VIỆC LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC, TÔN GIÁO ĐỂ XUYÊN TẠC, CHỐNG PHÁ TRÊN ĐỊA BÀN TÂY NGUYÊN - TỈNH GIA LAI - (08/06/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN, SINH VIÊN TRONG ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH - (04/06/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ ÂM MƯU LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỌC, TÔN GIÁO ĐỂ KÍCH ĐỘNG CHỐNG PHÁ TRÊN ĐỊA BÀN TÂY NGUYÊN - (31/05/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ PHẢN BÁC LUẬN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH CHO RẰNG: MUỐN THỰC SỰ CÓ DÂN CHỦ CHO NGƯỜI DÂN VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI CẦN PHẢI THỰC HIỆN “ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP - (28/05/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ NHẬN DIỆN VÀ XÂY DỰNG LUẬN CỨ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢ ĐỘNG, PHẦN TỬ CƠ HỘI - (24/05/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TÁC ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM - (21/05/2024)
- CHUYÊN MỤC: BÀI VIẾT VỀ TUỔI TRẺ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG CÙNG MÔ HÌNH “CHÚNG CON LUÔN BÊN MẸ” - (17/05/2024)