Miên man “giai điệu Tổ quốc tôi” trong thanh âm hội nhập
Chào mừng kỷ niệm 42 năm, Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Tổ quốc thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2017); Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Sinh viên (SV) Đại học Đà Nẵng vừa phối hợp tổ chức Hội thi “SV Tài năng - Thanh lịch”.
Với một hội thi đã quá quen thuộc với tuổi trẻ học đường, giảng đường, với cả công chúng; có Hội thi cấp trường, rồi nhiều năm qua, có cả cuộc thi cấp thành phố, cấp quốc gia, liệu từ sân chơi này Đoàn-Hội mang lại điều gì ý nghĩa thực sự cho “người chơi, người xem” ?
|
Hát - múa Tổ quốc gọi tên mình (Phổ nhạc: Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn; lời thơ "Tổ Quốc gọi tên" của Nguyễn Phan Quế Mai). |
Làm thế nào để những cuộc thi, hội thi này ngày càng trở nên có ý nghĩa là câu hỏi lớn. Nếu không sân chơi cũng chỉ là sân chơi, đến hẹn lại lên. Trong khi đó, yêu cầu lồng ghép nội dung giáo dục, rèn luyện các kỹ năng sống và học tập; chuẩn hóa hành vi, nhân cách, cũng như bồi đắp tình yêu, quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, lại được đặt ra hết sức cấp thiết, trong bối cảnh Việt Nam mỗi ngày một hội nhập sâu rộng.
Hội thi SV Tài năng – Thanh lịch ĐH Đà Nẵng 2017 có câu trả lời ngay từ vòng sơ loại với yêu cầu: thí sinh phải vượt qua phần thi kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội (theo hình thức trắc nghiệm) bên cạnh những nội dung khác.
Bước vào vòng bán kết của Hội thi (diễn ra vào ngày 1/4 vừa qua), Ban tổ chức, Ban Giám khảo bắt đầu “làm khó” các thí sinh khi không còn trình diễn… trang phục tự chọn. Muốn có mặt ở đêm chung kết, phải thể hiện được “thực tài” ở nội dung thi năng khiếu và: “Nếu ở nhiều cuộc thi, hội thi, phần trang phục thiên về dạ hội, dạo phố hay trình diễn trang phục thể thao, trang phục biển, thì với quyết định phải thi “Trang phục học đường” ở vòng bán kết, Ban Tổ chức lại lưu ý các bạn SV về bộ trang phục mỗi ngày đến lớp, đến giảng đường, sao cho giữ được yếu tố trẻ trung, năng động nhưng cũng phải giữ nền nếp chung, thể hiện mình là người có văn hóa, biết phép lịch sự và tôn trọng Thầy cô, bạn bè. Đặc biệt, và trước tiên, các bạn hãy tôn trọng chính mình” – ThS. Tôn Nữ Trà My, Phó Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng chia sẻ.
|
Tà áo dài đã xuất hiện "áp đảo" tại vòng bán kết. |
|
Có thể thấy, tà áo dài đã xuất hiện nhiều hơn tại vòng bán kết. Với các đôi nam nữ, một số bạn nữ đã chọn kết hợp giữa váy và áo sơ mi trắng. Tất cả đều là sắc trắng tinh khôi của tuổi học trò !
Ở phần thi năng khiếu, tài năng của các bạn tỏa sáng qua các loại hình nghệ thuật từ hát, múa, đến biểu diễn nhạc kịch, v.v...
“Chúng tôi mong muốn các thí sinh cũng như đông đảo SV của ĐH Đà Nẵng có cơ hội tiếp cận thêm những nét đẹp văn hóa từ các vùng miền, các dân tộc anh em từ Việt Nam đến thế giới. Do vậy nội dung mang tính hiện đại đều được phép, làm phong phú thêm cho hiểu biết của SV về bản sắc văn hóa mỗi quốc gia.
Tuy nhiên bên cạnh đó, chúng tôi luôn khuyến khích các thí sinh chọn, dàn dựng, tập luyện tiết mục dự thi để qua đó, tự trang bị thêm cho mình kiến thức về cội nguồn bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, bồi đắp thêm tình yêu đối với quê hương, đất nước. Tinh thần sẵn sàng hội nhập phải song song với gìn giữ bản sắc Việt” – ThS. Tôn Nữ Trà My nói thêm.
Sân khấu hội thi rộn ràng với những tiết tấu sôi động của nhảy hiện đại, nhưng rồi lắng xuống trầm sâu khi “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả”, và bùng lên với khúc tráng ca về Trường Sa-Hoàng Sa “Ngọn đuốc hòa bình bao Người đã ngã. Máu của Người nhuộm mặn sóng biển Đông” (hát-múa Tổ quốc gọi tên mình của đôi bạn Ngô Thị Ngọc Hà và Lê Văn Đông đến từ trường ĐH Sư phạm).
Ngay sau đó, thật xúc động khi hình tượng Mẹ Tổ quốc hiện lên rõ mồn một khi các bạn thí sinh đến từ ĐH Bách khoa và trường ĐH Sư phạm đã dàn dựng, tập luyện và biểu diễn “đủ để khiến người nghe, người xem “phải chăm chú theo dõi và ngợi khen”.
Và mặc cho những thông tin từ một số mạng xã hội, đang nỗ lực “xuyên tạc” lịch sử, “bôi nhọ” biết bao vị anh hùng, liệt sỹ mà cả dân tộc phải tri ân; thì trong nghĩ suy của các thế hệ ĐH Đà Nẵng, hình tượng Nữ Anh hùng – Liệt sỹ Võ Thị Sáu vẫn bất tử, vẫn thiêng liêng, (múa “Khoảnh khắc bất tử” của thí sinh Hoàng Thị Bích Phương - trường ĐH Sư phạm.
|
Từ Bà mẹ anh hùng "3 lần tiễn con đi - 2 lần khóc thầm lặng lẽ" đến hình tượng Mẹ Tổ quốc Việt Nam linh thiêng. |
|
Đất nước mà biết bao Người đã ngã xuống để giữ gìn chủ quyền và nên độc lập, có cội nguồn xa xưa huyền bí của một không gian, thời gian (được tái hiện) cùng vũ điệu Chămpa mê hoặc (múa Linh thiêng tháp cổ của đôi bạn Nguyễn Hồng Long và Nguyễn Thị Thùy Trang, trường ĐH Sư phạm).
Nếu vũ điệu Chămpa mang màu sắc của dải đất miền Trung thì “Giấc mơ trưa” của thí sinh đơn nữ Phan Ngô Hải Yến (trường ĐH Sư phạm) đã đem không gian xưa của đồng bằng Bắc bộ vào sân khấu hội thi.
Những phản ảnh về nguồn cội văn hóa dân tộc qua lăng kính nghệ thuật giữa nhịp sống hiện đại dường như vẫn còn đủ khả năng chinh phục người xem.
Thực vậy, đến tiết mục múa “Tát nước đêm trăng” của thí sinh Trần Thị Mỹ Vi (ĐH Bách khoa) hay múa “Hương sen” của bạn Nguyễn Thị Thu Trúc (trường ĐH Sư phạm) thì nhịp sống của biết bao miền quê Việt xưa và hình ảnh Quốc hoa-Quốc hồn đã lùa vào trong tâm tưởng người xem một cảm xúc bồi hồi về quê hương, quê nhà của mỗi chúng ta một thuở.
Giờ đây, nông thôn đã điện khí hóa-công nghiệp hóa, cảnh tát nước đêm trăng có lẽ còn rất ít. Nhiều bạn trẻ ngày nay không có cơ hội để chứng kiến hay tham gia việc tát nước. Nhưng chắc ai cũng đã từng nghe câu ca dao quen thuộc “Đêm qua tát nước đầu đình, bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…”. Nếu có quên, thì khi đến với hội thi, đã được gợi nhớ.
|
Múa Khoảnh khắc bất tử, với hình tượng Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu (ảnh trên); (ảnh tiếp theo) Múa Hương Sen. |
|
Cũng với không gian một miền quê xưa, tác phẩm truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, một mối tình của những con người “ở vị trí thấp hèn nhất của một xã hội thuộc địa”, mối tình đã đi vào văn chương: Chí Phèo-Thị Nở, được tái hiện sống động trên sân khấu hội thi (bởi đôi bạn Nguyễn Thị Ái Liên và Nguyễn Xuân Huynh đến từ trường ĐH Sư phạm). Mối tình ấy gợi nhắc một tinh thần nhân văn thuần Việt - đã trở thành điển hình – khi muốn nói đến “Một tình yêu chân thật, có khả năng cải hóa cả lương tâm, lương tri, thay đổi một số phận một con người”.
Cứ như thế, các tiết mục nối nhau, gợi nhớ và bồi đắp tình yêu Tổ quốc, yêu quê nhà, yêu cội nguồn. Với năng khiếu, sở trường, bản lĩnh sân khấu và khả năng thể hiện khá tốt, các bạn thí sinh đã thành công khi chọn đúng chủ đề và chọn đúng nội dung mà cộng đồng không thể nào quên. Các bạn đã say sưa thể hiện bằng mọi khả năng mình có được, thay cho điều muốn nói: “Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi” trong dòng chảy hội nhập.
Bên cạnh các nội dung thi nói trên, các thí sinh lọt vào vòng bán kết còn phải tham gia (bắt buộc) hoạt động tình nguyện.
“Vòng chung kết hội thi sẽ diễn ra vào tối ngày 15/4/2017 sắp đến, tại Nhà hát Trưng Vương, 12 thí sinh đơn nữ và 6 đôi nam nữ được chọn từ vòng bán kết sẽ tiếp tục sẽ trải qua các nội dung thi: trình diễn trang phục Áo dài, trình diễn trang phục Thanh niên, trình diễn trang phục Truyền thống các dân tộc. Cuối cùng là phần thi ứng xử.
Thông qua Hội thi, Ban Tổ chức chúng tôi mong muốn gửi một thông điệp đến các bạn SV ĐH Đà Nẵng cũng như các bạn SV đang theo học các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP: Hãy cùng nhau giữ gìn nét đẹp của văn hóa dân tộc, song song với tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa nhân loại. Tiếp thu trên tinh thần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển. Hoạt động này, Ban Thường vụ Đoàn chúng tôi nhìn nhận là một đóng góp thiết thực cho chương trình hành động chủ đề “Văn hóa-Văn minh đô thị”, “TP 4 AN”.
Hội thi cũng hướng đến sự hoàn thiện cho lực lượng Tình nguyện viên ĐH Đà Nẵng sẵn sàng tham gia phục sự kiện Tuần lễ Diễn đàn cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Trước đó, hơn 800 Tình nguyện viên ĐH Đà Nẵng đã phục vụ tại sự kiện ABG 5 và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho các Đoàn Thể thao châu Á”, ThS. Nguyễn Đức Tiến – Bí thư Đoàn ĐHĐN chia sẻ.
Hội thi SV Tài năng Thanh lịch 2017 là hoạt động điểm nhấn của tuổi trẻ ĐH Đà Nẵng chào mừng kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 2017), hướng đến đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ĐHĐN lần thứ V (nhiệm kỳ 2017 – 2022), 42 năm giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2017), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2017) và chào mừng kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc TƯ.
T.Ngọc – Trần Thanh Nhã thực hiện
Tin từ báo ictdanang.vn
VP ĐOÀN ĐHĐN
- Chương trình "Ngày Chủ nhật Xanh" năm 2025 - Chào mừng Tháng Thanh niên và kỷ niệm 30 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đại học Đà Nẵng (1995 – 2025). - (29/03/2025)
- SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ THÁNG 11 - 2024 - (09/11/2024)
- TUỔI TRẺ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 09/11 - (09/11/2024)
- SINH HOẠT CHỦ ĐỀ: SÁNG MÃI CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG CỦA THANH NIÊN - (18/10/2024)
- CLB Lý luận trẻ Đại học Đà Nẵng: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ - (06/09/2024)
- Nghiêm túc thực hiện việc rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2022 - 2024 và xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2024-2027 - (06/09/2024)
- SINH HOẠT CHÍNH TRỊ "NHỚ VỀ BÁC - LÒNG TA TRONG SÁNG HƠN" - (18/08/2024)
- Tuổi trẻ Đại học Đà Nẵng xây dựng môi trường đại học “Sáng - xanh - sạch - đẹp” - (26/07/2024)
- Tuổi trẻ Đại học Đà Nẵng đồng hành cùng Hòa Vang xây dựng nông thôn mới - (20/07/2024)
- Hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, biên giới - (02/07/2024)