Đại học Đà Nẵng đăng cai tổ chức hội thảo khoa học quốc gia đầu tiên dành cho cán bộ trẻ Đại học quốc gia, Đại học vùng mở rộng
Ngày 21/4/2017, tại Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã diễn ra Hội thảo Khoa học Cán bộ trẻ Đại học Quốc gia và Đại học Vùng mở rộng lần thứ nhất. Đây là Hội thảo khoa học ở quy mô quốc gia, lần đầu tiên được tổ chức dành cho những cán bộ trẻ đang công tác và học tập tại các ĐH quốc gia, ĐH vùng.
Một cán bộ trẻ trình bày đề tài nghiên cứu của mình
Được biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được khoảng 60 bài báo khoa học, đề tài nghiên cứu, trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ đến Kinh tế, Luật, Khoa học Xã hội và Nhân văn của các tác giả là những nhà khoa học trẻ đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; các ĐH vùng: ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế; các Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Nguyên, ĐH Tây Bắc, ĐH Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh, Học viện An ninh nhân dân. Trong đó, 33 bài báo khoa học của Hội thảo đã qua sàng lọc và phản biện, được chọn đăng tải trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ ĐHĐN số đặc biệt (số 3/112-2017, quyển 2). Đây là những công trình nghiên cứu tiêu biểu, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết các vấn đề an sinh, môi trường của đất nước.
“Tại diễn đàn hội thảo, các nhà khoa học trẻ được chọn sẽ thuyết trình bài báo khoa học, chia sẻ kết quả nghiên cứu mới của mình và trả lời các ý kiến phản biện, trao đổi, thảo luận thêm. Có thể nói đây là Hội thảo nghiên cứu khoa học tầm quốc gia đầu tiên dành cho đội ngũ cán bộ trẻ mà vai trò tổ chức nòng cốt là Đoàn Thanh niên. Qua đó, thể hiện sức trẻ, vai trò xung kích của đoàn viên-thanh niên, cán bộ Đoàn trong nghiên cứu khoa học, bên cạnh các hoạt động truyền thống khác” – TS. Dương Nguyễn Minh Huy, Bí thư Đoàn ĐHĐN cho biết.
Phát biểu tại phiên khai mạc, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Giám đốc ĐHĐN bày tỏ: Cá nhân tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo ngày hôm nay của Đoàn Thanh niên các ĐH quốc gia, ĐH Vùng. Đây là sự kiện khoa học quan trọng, một cơ hội lớn để đội ngũ cán bộ trẻ giới thiệu và phát huy các công trình, đề tài, sáng kiến của mình. Qua đó, tổ chức Đoàn ở các ĐH quốc gia, ĐH vùng ngày càng có nhiều hoạt động đi vào chiều sâu, bắt nhịp hơi thở của thời đại như: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay Phong trào Sinh viên với các mô hình khởi nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng tặng quà lưu niệm đến các Đoàn về tham dự hội thảo
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng nhấn mạnh rằng: Đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội và thách thức rất lớn trong bối cảnh quốc tế đang chuyển biến nhanh và khó lường, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà trong đó trí tuệ nhân tạo là nội dung cơ bản, đóng vai trò chi phối các hoạt động sản xuất cũng như đời sống xã hội trong tương lai.
Khoa học và công nghệ phải trở thành động lực then chốt đưa đất nước phát triển thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, lực lượng trẻ nói chung và các nhà khoa học trẻ ở các ĐH quốc gia, ĐH vùng phải giữ trọng trách và vai trò quan trọng, tiên phong trong góp phần đưa nước ta phát triển cùng thời đại.
Ngoài các nhà nghiên cứu trẻ, tham dự hội thảo còn có một số chuyên gia quan tâm đến hoạt động sáng tạo trẻ.
Có thể thấy, trong những năm qua, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các ĐH quốc gia, ĐH vùng đã tổ chức được rất nhiều diễn đàn để các cán bộ trẻ có cơ hội trao đổi và học hỏi kinh nghiệm; cũng như tổ chức các hoạt động, phong trào hỗ trợ học tập và nghiên cứu khoa học cho đoàn viên, sinh viên.
Hội thảo khoa học đầu tiên dành cho cán bộ trẻ các ĐH quốc gia, ĐH vùng diễn ra hôm nay tại ĐHĐN là một sáng kiến hay, cần tiếp tục được phát huy, nhân rộng để góp phần xây dựng phong trào Đoàn, phong trào Hội Sinh viên ngày càng phát triển cả trên diện rộng lẫn chiều sâu. Hội thảo phải trở thành một điểm sáng, một mô hình đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong phong trào Đoàn, Hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra cho nền giáo dục Việt Nam nhiều thách thức
Các đề tài đã thực sự thu hút sự quan tâm của người nghe
Diễn ra trong vòng 01 ngày, Hội thảo có 01 phiên làm việc chung và 03 tổ thảo luận theo chuyên đề:
- Tổ Khoa học Xã hội và Nhân văn với 04 báo cáo: Lần thay đổi địa danh làng xã năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) - Trường hợp dinh Quảng Nam (Lê Thị Mai - ĐHĐN); Ảnh hưởng của kỹ thuật sửa bài chéo đến kỹ năng viết bài luận tại khoa ngoại ngữ (Diêm Thị Thu Thuỷ - ĐH Thái Nguyên); Xây dựng tài liệu giảng dạy lập thể (Trần Khai Xuân, Vương Huệ Nghi - Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) và Tính kịch trong truyện ngắn Mỹ hiện đại qua trường hợp Raymond Carver (Nguyễn Phương Khánh - ĐHĐN);
- Tổ Kinh tế, Luật với 04 báo cáo: Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia hợp đồng tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp tại huyện Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ (Trần Thanh Dũng - Trường ĐH Cần Thơ); Giải pháp phát triển du lịch MICE tại TP. Đà Nẵng (Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phạm Tuấn Anh - ĐHĐN); Tính bền vững của nợ công Việt Nam (ThS. Trần Thị Lộc - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và Yêu cầu pháp lý của trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật Liên minh châu Âu – Bài học cho Việt Nam (Nguyễn Hữu Phúc - ĐHĐN);
- Tổ Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ với 11 báo cáo: Một số chỉ tiêu huyết học thỏ New Zealand nuôi tại TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk (Nguyễn Đức Điện, Ngô Thị Kim Chi - Trường ĐH Tây Nguyên); Studies and applications of Nanotechnology in Agriculture and Bio-medicine (Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Lương - ĐH Quốc gia Hà Nội); Đánh giá hiệu quả điều trị xơ gan trên mô hình chuột bằng liệu pháp ghép tế bào gốc trung mô từ mô mỡ (Nguyễn Hải Nam - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh); Ảnh hưởng của hiện tượng che khuất đến pin mặt trời (Dương Minh Quân, Đinh Thị Sen - ĐHĐN); Khả năng hình thành mô sẹo và tái sinh cây dâu tây từ lá (Lã Văn Hiền, Bùi Đình Lãm - ĐH Thái Nguyên); Khảo sát sự tích lũy chì của hai loài CORRBICULA BAUDONI và NODULARIA DOUGLASISFIRMUS sống ở sông Hương, TP. Huế (Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Thị Ninh, Hồ Phan Ngọc Thúy - ĐH Huế); Nghiên cứu tính chất và khả năng hấp phụ metylen xanh của hạt nano silica tổng hợp từ tro vỏ trấu (Lương Huỳnh Vũ Thanh, Nguyễn Thái Trung - Trường ĐH Cần Thơ); Hệ thống giám sát và nhận dạng hành vi trên bò (Nguyễn Đình Chinh - ĐH Quốc gia Hà Nội); Vật liệu Khung Hữu cơ Kim loại trên nền Titanium và ứng dụng trong xúc tác quang hóa (Nguyễn Lạc Hà - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh); Nghiên cứu phát triển canh tác ngô theo kỹ thuật nông nghiệp bảo tồn dựa trên kiến thức bản địa tại Sơn La (Nguyễn Hoàng Phương - Trường ĐH Tây Bắc); Đánh giá tác động của hệ thống đê bao đến chế độ thủy văn và chất lượng nước tỉnh An Giang (Lâm Thị Hoàng Oanh, Trần Văn Tỷ, Phạm Văn Toàn - Trường ĐH Cần Thơ).
Tổ thảo luận chuyên đề về Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Đà Nẵng – www.udn.vn
VP Đoàn ĐHĐN
- SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ THÁNG 11 - 2024 - (09/11/2024)
- TUỔI TRẺ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 09/11 - (09/11/2024)
- SINH HOẠT CHỦ ĐỀ: SÁNG MÃI CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG CỦA THANH NIÊN - (18/10/2024)
- CLB Lý luận trẻ Đại học Đà Nẵng: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ - (06/09/2024)
- Nghiêm túc thực hiện việc rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2022 - 2024 và xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2024-2027 - (06/09/2024)
- SINH HOẠT CHÍNH TRỊ "NHỚ VỀ BÁC - LÒNG TA TRONG SÁNG HƠN" - (18/08/2024)
- Tuổi trẻ Đại học Đà Nẵng xây dựng môi trường đại học “Sáng - xanh - sạch - đẹp” - (26/07/2024)
- Tuổi trẻ Đại học Đà Nẵng đồng hành cùng Hòa Vang xây dựng nông thôn mới - (20/07/2024)
- Hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, biên giới - (02/07/2024)
- Đoàn Đại học Đà Nẵng giám sát chuyên đề đoàn trực thuộc - (15/06/2024)