Đam mê chinh phục "lửa" mặt trời
Tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật điện loại xuất sắc tại Trường Đại học Bách khoa Milan (Italia) khi chỉ mới 32 tuổi, Tiến sĩ Dương Minh Quân hướng đến “lửa” mặt trời và mong muốn chinh phục nguồn năng lượng dồi dào này để góp phần nhỏ xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường.
Tiến sĩ Dương Minh Quân (giữa) cùng các cộng sự trong nhóm nghiên cứu thảo luận về dự án. Ảnh: L.P |
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kỹ thuật điện (khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng), Quân được giữ lại trường để tham gia giảng dạy. Tháng 3-2010, Quân lên đường đến Trường Đại học Dongguk (thành phố Seoul, Hàn Quốc) học chương trình thạc sĩ và tốt nghiệp sau đó 2 năm. Tháng 1-2013, Quân tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Bách khoa Milan và tốt nghiệp tiến sĩ ngành Kỹ thuật điện vào năm 2016.
Theo Quân, Đà Nẵng đang xây dựng thành phố môi trường. Để đạt mục tiêu đó, bên cạnh các giải pháp giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường, thành phố cũng cần sử dụng điện hiệu quả. Một trong những giải pháp cắt giảm khí thải hiệu quả là sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên, năng lượng sạch. “Hiện nay, một lượng lớn điện năng chúng ta đang sử dụng được chuyển hóa từ việc đốt cháy than đá, dầu mỏ.
Trong quá trình nhiệt năng các nguồn năng lượng này sản sinh ra khí thải CO2. Đây là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, khoảng 40% than đá, dầu mỏ để chuyển hóa điện năng hiện nay phải nhập khẩu với giá thành cao. Nếu sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sạch như ánh nắng mặt trời, gió… sẽ giảm được rất nhiều chi phí và bảo vệ môi trường tốt hơn”, Quân phân tích.
Trước những trăn trở đó, Quân và các cộng sự trong nhóm Nghiên cứu năng lượng mới và tái tạo trong hệ thống điện (TRT-NREPS) thuộc Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu dự án giúp chuyển đổi nâng cao hiệu suất của hệ thống pin năng lượng mặt trời. Dự án nghiên cứu của Quân và các cộng sự còn có ý nghĩa đối với những vùng sâu vùng xa, trong điều kiện thiên tai, bão lũ.
Trong lần đối thoại với lãnh đạo thành phố vào tháng 3-2018 về chủ đề “Thanh niên Đà Nẵng sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh”, đề xuất về nghiên cứu chế tạo bộ chuyển đổi nâng cao hiệu suất của hệ thống pin năng lượng mặt trời của Quân được Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn và chỉ đạo triển khai thực hiện.
Chia sẻ về ý tưởng này, Quân cho biết, Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung có nguồn tài nguyên năng lượng sạch gồm: nắng, gió, sóng biển rất dồi dào nhưng lại chưa được sử dụng hiệu quả. Trong khi đó, việc sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo này đã và đang là xu hướng trên thế giới. “Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tự nhiên này, nước ta phải tự chủ về công nghệ, nghĩa là phải chế tạo được thiết bị giúp chuyển đổi tối đa năng lượng mặt trời nguồn điện, thay vì nhập từ nước ngoài”, Quân nói.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều thiết bị chuyển đổi nâng cao hiệu suất của pin năng lượng mặt trời do các nước như Trung Quốc, Đức… sản xuất với giá khá cao. Trong khi đó, để lắp ráp một bộ chuyển đổi có chức năng tương tự, Quân và các cộng sự chỉ tốn kinh phí rất nhỏ để mua thiết bị. Mặt khác, sản phẩm của Quân và nhóm nghiên cứu đang thực hiện cho ra kết quả bước đầu tốt hơn sản phẩm ngoại nhập. Như vậy, khi dự án nghiên cứu này hoàn thành và đưa vào sản xuất đại trà, mơ ước về một sản phẩm tiên tiến với xuất sứ “made in Viet Nam” có chất lượng tốt, giá bình dân là hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Ông Đặng Đôn Thạch, Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung (đơn vị phụ trách công tác thí nghiệm dự án) cho biết, dựa trên những kết quả đo bước đầu, thiết bị do nhóm nghiên cứu chế tạo giúp chuyển đổi năng lượng mặt trời thành dòng điện tốt hơn thiết bị hiện có trên thị trường do Trung Quốc sản xuất. Điều này chứng tỏ, sản phẩm do nhóm nghiên cứu chế tạo có chất lượng tốt hơn, giúp nâng cao hiệu suất của năng lượng mặt trời, thu được dòng điện ổn định.
Dự án nghiên cứu của Quân và cộng sự được thành phố cấp kinh phí hơn 800 triệu đồng, thời gian triển khai trong vòng 1 năm, nghiệm thu vào cuối tháng 12-2019. Đây là đề tài nghiên cứu ứng dụng đầu tiên của Quân được thực hiện tại Đà Nẵng với kỳ vọng giúp xây dựng Đà Nẵng trở thành địa phương đi đầu trên cả nước về sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Dự án này đã được nhóm nghiên cứu đăng ký Sở hữu trí tuệ năm 2019. “Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức của thành phố để có những chính sách hỗ trợ phát triển, nghiên cứu; để những dự án không còn nằm trên giấy mà sẽ được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống”, Quân cho biết thêm.
LAM PHƯƠNG - BÁO ĐÀ NẴNG
- Đề tài "Chế tạo bộ làm mát cho tấm pin năng lượng mặt trời" đạt giải Nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học - (02/10/2020)
- Đại học Đà Nẵng họp Hội đồng xét Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2019-2020 - (17/09/2020)
- Máy nhặt rác biển thông minh: Từ ý tưởng đến sản phẩm công nghệ hữu ích vì cộng đồng - (02/09/2020)
- Sinh viên Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng đạt giải Bảo vệ xuất sắc nhất tại Cuộc thi Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects-2020 - (16/08/2020)
- GƯƠNG THANH NIÊN TIÊN TIẾN LÀM THEO LỜI BÁC ĐAM MÊ KHOA HỌC VÀ KHỞI NGHIỆP - (10/05/2020)
- Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng: Chế tạo thành công Robot diệt 99% virus bằng tia cực tím - (29/04/2020)
- Trường Đại học Bách Khoa: Đổi mới giáo dục đại học gắn liền với phát triển hoạt động khoa học công nghệ - (28/04/2020)
- Thầy trò chế tạo robot phục vụ người cách ly vì dịch COVID-19 - (22/03/2020)
- Nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng thực tiễn - (21/03/2020)
- Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT chế tạo hệ thống đo thân nhiệt từ xa ngừa Covid-19 - (20/03/2020)